Nhân dịp BMW vừa thay đổi logo chính thức của hãng sau hơn 20 năm kể từ 1997, chúng ta hãy cùng nhìn lại lịch sử logo của một trong những thương hiệu xe hơi lâu đời nhất vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Đây là một phần trong series “BMW explained” sẽ được BMW official website update trong thời gian tới. Gọi nôm na là những bài viết “Chuyện BMW”.

Tạo hình logo BMW có phải khởi nguồn từ gốc gác chế tạo động cơ máy bay hay không? Đây là câu hỏi được lật đi lật lại khá nhiều, và thực tế là điều này được chấp nhận rộng rãi vì nghe cũng… có vẻ lọt tai. Thế nhưng Fred Jakobs, giám đốc mảng Lưu trữ của BMW Group Classic, người có hiểu biết cực kì sâu rộng về thương hiệu BMW đã nói rằng: “Rất nhiều người tin rằng logo BMW là hình cánh quạt máy bay cách điệu. Nhưng sự thật thì hơi khác một chút.”

  1. Những ngày đầu thành lập, BMW còn không cần phải có logo

Gốc gác của cái tên BMW - Bayerische Motoren Werke (hay tiếng Anh: Bavarian Motor Works) - khởi nguồn từ năm 1917, khi BMW được thành lập trên nền tảng của một công ty chuyên lắp ráp động cơ máy bay tại Munich, Rapp Motorenwerke. Munich là thủ phủ của bang Bavaria - các bác hẳn đã quen thuộc với đội bóng Bayern München (tiếng Đức của Bavaria - Munich). Mặc dù đổi tên và trên danh nghĩa là một công ty mới, thế nhưng toàn bộ trang thiết bị, nguồn nhân công,… đều vẫn giữ nguyên từ công ty cũ.

Khi cái tên BMW được đem đi đăng kí thương mại vào tháng 7 năm 1917, thậm chí nó còn chẳng đi kèm logo. Quảng cáo đầu tiên của công ty vào thời gian đó cũng không có sự xuất hiện của bất cứ logo hay biểu tượng nào. Mặc dù vậy, bên cạnh động cơ máy bay thì hãng cũng đã vạch ra hướng đi rõ ràng: sẽ sản xuất động cơ cho ô tô, các loại máy móc nông nghiệp, tàu thuyền… trong tương lai.

“Khác với bây giờ, ở thời kì ấy thì logo chưa được chú trọng như một phương tiện quảng bá thương hiệu rộng rãi cho công chúng… vì thực chất BMW không có khách hàng cụ thể nào để mà quảng bá thương hiệu cả.” - ông Fred Jakobs giải thích.

Đúng là thời đó BMW hầu như chỉ tập trung sản xuất và bảo dưỡng động cơ máy bay cho Không Quân Đức mà thôi. Có quả khách ruột như thế rồi thì khỏi mất công PR làm màu gì cả.

BMW thành lập trên nền tảng công ty Rapp Motorenwerke GmbH (1913-1917). Cũng có thể thấy rõ điều này trên logo đầu tiên của BMW vào tháng 10 năm 1917, nó giữ nguyên truyền thống để viền đen kèm tên công ty bao quanh logo chính.

2. Logo BMW mang màu sắc đặc trưng của bang Bavaria, nhưng lộn lại đôi chút

Dù sao thì đến ngày 05 tháng 10 năm 1917, công ty cũng đã có 1 mẫu logo mới toanh. Chiếc logo đầu tiên đậm tính lịch sử này cũng đã giữ nguyên format logo của công ty nền tảng đã tạo nên BMW - Rapp Motorenwerke, cũng có viền đen rồi tên công ty bao quanh phần logo chính.

Và đặc biệt là nơi khởi nguồn của BMW - Bavaria cũng có mặt trên logo này. Nhưng cờ Bavaria là trắng trên, xanh dưới thì logo BMW ngược lại: Xanh trước, trắng sau. Các bác nhìn logo của đội Bayern Munich cũng xanh trắng y như vậy luôn. Thực ra BMW phải làm ngược lại như vậy để tránh vi phạm điều lệ đăng kí thương hiệu thời bấy giờ: không sử dụng phù hiệu của bang hoặc các họa tiết liên quan trong logo thương mại.

Trái: Logo mà BMW dùng để tự giới thiệu về mình tại một triển lãm xe hơi ở Berlin, 1924. Phải: Logo BMW đặt trong một poster (?) quảng bá thương hiệu.

Như vậy mảnh ghép đầu tiên về ý nghĩa logo BMW đã được đưa ra: màu sắc.

3. Nhưng từ đâu lại xuất hiện truyền thuyết: logo BMW là cánh quạt máy bay cách điệu?

Cho tới tận ngày nay vẫn có rất nhiều người tin rằng, ý tưởng ban đầu của logo BMW chính là từ cánh quạt máy bay. Sao lại như vậy?

Lật lại lịch sử để tìm lời giải đáp, thì một vài năm sau khi logo đầu tiên của BMW ra đời, đội ngũ marketing của hãng đã xuất bản chiếc poster quảng cáo với logo BMW được đặt trên cánh quạt của máy bay đang quay tít. Thời đó thì khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang bắt đầu gây ảnh hưởng nhất định, BMW muốn quảng bá mạnh hơn dòng động cơ máy bay hãng đã mua lại bản quyền sản xuất của công ty Pratt & Whitney (Mỹ). Hình ảnh máy bay với cánh quạt quay tít mù thực sự hợp với tinh thần của BMW bấy giờ - một công ty mới, trẻ khỏe giàu năng lượng, lại còn chuyên sâu về mảng động cơ máy bay.

Có vẻ poster quảng cáo này đã đem lại hiệu quả tích cực cho BMW. Bởi vậy mà chính BMW, vào năm 1942, đã một lần nữa gắn kết hình ảnh cánh quạt máy bay với logo của mình trong một bài viết truyền thông. Đi kèm với đó, tất nhiên là một chiếc máy bay với cánh quạt đang quay tít và logo BMW khéo léo lồng ghép bên trên.

Vì quá ưng hình ảnh này nên BMW hầu như chẳng bao giờ đính chính về sự thật phía sau: thực ra concept thiết kế ban đầu không hề lấy ý tưởng từ cánh quạt gì hết. Nhưng cũng không hẳn là sai lầm khi tin vào điều đó, vì thực sự hình ảnh này đã trở nên quen thuộc, được chấp nhận đủ rộng rãi và đủ lâu (tới bây giờ cũng hơn 90 năm kể từ 1929) để nghiễm nhiên trở thành một sự thật bất đắc dĩ.

Lần đầu tiên logo BMW xuất hiện trên đường phố năm 1923, trên bình xăng của chiếc motor BMW đầu tiên: BMW R 32.

4. Vậy còn logo mới nhất của BMW thì sao, ý nghĩa phía sau logo này?

Không chỉ là sự thay đổi trong thiết kế, logo này còn thể hiện rõ sự chuyển mình của BMW cho thế hệ phương tiện của tương lai.

“Phần trong suốt của logo biểu thị tính “mở”, nó như một lời mời gọi thuần khiết dành cho những khách hàng để trở thành một phần của thế giới BMW.“ - ông Jens Thiemer, phó chủ tịch cấp cao mảng khách hàng và marketing thương hiệu, cho biết.
“Và bên cạnh điều đó, thiết kế logo mới cũng biểu trưng cho những thử thách - nhưng cũng là cơ hội, mà BMW sẽ đối mặt trong quá trình Số hóa thương hiệu…”.

Có lẽ việc sử dụng logo trong suốt sẽ giúp BMW vượt ra khỏi “comfort zone” của mình - vốn là những quy cách chuẩn mực khắt khe nghiêm túc đúng kiểu người Đức. Logo mới sẽ dễ dung hòa với mọi thứ xung quanh chứ không như logo hiện tại, các bác cũng có thể thấy trong quảng cáo hay in ấn đều phải được đặt trong một hình chữ nhật hình tròn khá là cứng nhắc.

Một điều đáng nói là lẽ ra logo này sẽ trở thành logo chính thức của thương hiệu BMW luôn, nhưng vì một lí do nào đó hãng đã thay đổi ý định. Logo mới sẽ chỉ được dùng cho “brand communication” chứ không xuất hiện trên bất cứ mẫu xe nào, cũng sẽ không thay thế logo của showroom BMW chính hãng… nói chung là BMW sẽ dùng song song cả 2 phiên bản. Một pha xử lí nghe hơi cồng kềnh, nhưng chúng ta hãy cùng chờ xem nó có đem lại hiệu quả hay không.

Hành trình thay đổi logo của BMW

Share this post